Những ngày qua, dạy học trực tuyến được coi là một giải pháp tình thế trong thời gian học sinh (HS) tạm nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19. Tuy bước đầu tiếp cận nhưng phương pháp này cũng cho thấy vai trò của việc khai thác tiện ích công nghệ thông tin trong dạy học thời 4.0.
Học mọi lúc, mọi nơi
Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) được coi là một trong những trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai việc dạy trực tuyến. Cô Phan Thị Thảo Uyên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã mời VNPT Khánh Hòa đến tập huấn cho giáo viên (GV) dạy học trên nền tảng số E-learning. Theo đó, GV số hóa tài liệu thay cho bài giảng truyền thống, thiết lập giáo án điện tử và lưu trên hệ thống. HS có thể học mọi lúc, mọi nơi, làm bài tập và nộp bài tập trực tuyến, trao đổi với thầy cô và các bạn thông qua giao diện chat. GV có thể điểm danh, theo dõi quá trình học, kiểm tra trực tuyến HS…
|
Để các trường tiếp cận với phương pháp dạy trực tuyến, cuối tháng 2, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Viettel Khánh Hòa và VNPT Khánh Hòa tổ chức hội nghị về các khóa học, ôn tập trực tuyến cho lãnh đạo, GV, chuyên viên các phòng giáo dục và đào tạo, đơn vị trực thuộc sở. Các đơn vị đã được nghe giới thiệu về các giải pháp hỗ trợ GV tổ chức dạy và học trên Internet. Sau đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang đã phối hợp với VNPT Khánh Hòa tổ chức tập huấn các khóa học trực tuyến cho lãnh đạo, chuyên viên của phòng và lãnh đạo, GV Tin học các trường THCS trực thuộc. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường tổ chức tập huấn phần mềm cho toàn bộ GV; xây dựng kế hoạch cụ thể về thời gian, môn học, lớp, GV và HS thực hiện của các khóa học. Đồng thời, chỉ đạo tổ chuyên môn, GV bộ môn rà soát chương trình với các kiến thức trọng tâm để xây dựng khóa học, các chủ đề ôn tập, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho HS; thẩm định nội dung, chất lượng soạn bài trước khi đăng lên hệ thống; kiểm tra, theo dõi đánh giá việc thực hiện tự học của HS. Đối với những địa bàn khó khăn không có điều kiện học trực tuyến, các trường lập danh sách, phối hợp với phụ huynh HS để có tài liệu cho HS ôn tập trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch.
Đa dạng các hình thức dạy và học
Nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy trực tuyến còn mới và chưa thể triển khai đại trà do điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin ở các trường, các vùng miền chưa đồng bộ hiện nay. Điều kiện kinh tế của các gia đình cũng khác nhau, không phải gia đình nào cũng có thể trang bị máy tính, điện thoại thông minh. Chưa kể khi thực hiện dạy trực tuyến đã nảy sinh các vấn đề về đường truyền Internet, hạn chế ở tính tương tác giữa GV và HS với nhau, đồng thời đòi hỏi ý thức tự giác của HS trong việc học tập. HS cũng không có điều kiện phát triển các phẩm chất, năng lực cần có so với cách học truyền thống. Tuy nhiên, dạy học trực tuyến cũng có những ưu điểm, nhất là trong một số trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19 hiện nay. HS có thể học mọi lúc, mọi nơi khi có kết nối mạng. Những hình ảnh, slide, video clip giúp cho các bài giảng trực tuyến sinh động, hấp dẫn hơn. Lớp học số giúp nhà trường tiết kiệm chi phí về tài liệu, giáo án, sổ ghi chép…
Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, ngoài việc tập huấn các giải pháp dạy học trực tuyến cho các trường, sở cũng chỉ đạo các trường tùy theo điều kiện thực tế để thực hiện nội dung ôn tập, giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn HS tự học và trao đổi, sửa chữa kết quả tự học của HS qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin khác như: SMAS (hệ thống quản lý nhà trường), VnEdu, zalo, facebook… Hiện nay, sở đang làm việc với Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa để chuẩn bị triển khai ôn tập trên truyền hình các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh cho học sinh khối 9 và 12 trên địa bàn tỉnh. Mục đích là tất cả HS ở các vùng miền đều được tiếp cận việc ôn tập, củng cố kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào lớp 10 và thi THPT quốc gia.