Hiện nay, có tình trạng một số đối tượng giả danh đại diện các cơ quan, tổ chức lừa người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhằm chiếm đoạt tiền. Vì thế, ngày 14-6, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông cảnh báo về hành vi lừa đảo, giả mạo tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Theo thông báo của Bộ Y tế, hiện nay, xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng… Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vắc xin của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 thông qua nhiều hình thức quảng bá khác nhau. Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm vắc xin phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 cần trực tiếp đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trong trường hợp đàm phán qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất
Ảnh minh hoạ
Các loại vắc xin phòng Covid-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép, có đủ điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi lô vắc xin phòng Covid-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế kiểm soát cấp phép lưu hành; các lô vắc xin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin theo quy định. Tất cả vắc xin đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.
Thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 26-2-2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin, tổ chức quốc tế mua và nhập khẩu số lượng lớn vắc xin để tổ chức tiêm chủng cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vắc xin phòng Covid-19 được tiêm miễn phí cho người dân. Do vậy, người dân cần bình tĩnh, chờ đợi đến lượt được tiêm vắc xin khi cơ quan y tế thông báo; đồng thời cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Người dân chỉ đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động; tuyệt đối không tiêm những loại vắc xin trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. Khi phát hiện thông tin liên quan đến tiêm vắc xin phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người dân hãy báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan y tế địa phương.
Tại Khánh Hòa, ngày 21-6, Sở Y tế gửi công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bệnh viện và phòng khám đa khoa chủ động tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và truyền thông tại cơ sở bằng hình thức phù hợp để cảnh báo tình trạng trên. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị y tế và cơ quan truyền thông đại chúng tại địa phương tăng cường công tác truyền thông đến các cơ quan, tổ chức và người dân để cảnh báo về việc lừa đảo tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Thượng tá Nguyễn Đức Thành - Phó Trưởng Công an TP. Nha Trang: Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân tại các địa bàn dân cư về hành vi lừa đảo của các đối tượng, Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các xã, phường thường xuyên nắm tình hình, từ đó kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng có hành vi lừa đảo người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19.
__________________________________________________
Thượng tá Hồ Anh Thư - Phó Trưởng Công an huyện Khánh Vĩnh: Đến nay, lực lượng Công an huyện chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan đến lừa đảo tiêm vắc xin phòng Covid-19. Công an huyện đã tổ chức tuyên truyền, cảnh báo các hành vi lừa đảo của tội phạm, nếu người dân nhận thấy bất cứ dấu hiệu lừa đảo nào cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Thành Long( Theo https://www.baokhanhhoa.vn)